TRUYỀN HÌNH FPT
Liên kết website
Tin mới đăng
Lắp đặt K+
Tin tức
Audio Book Chuyện Cũ Hà Nội trên truyền hình FPT

Đăng ngày: 12/03/2017 20:28
Audio Book Chuyện Cũ Hà Nội trên truyền hình FPT
     Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài được độc giả nhiều nơi biết đến qua những câu chuyện thật hay và sâu sắc. Đây là một tập ký sự đặc sắc về đề tài Hà Nội, đã từng được Ủy ban Nhân Dân TP Hà Nội tặng giải thưởng Thăng Long (1997–1998).

truyện cũ hà nội

Chuyện cũ Hà Nội xuất bản lần đầu vào năm 1986 mới chỉ có 40 truyện. Đến với công chúng lần này - do NXB Trẻ ấn hành tháng 9.2004- không gian cũng như thời gian trong tập truyện được mở rộng, sống động hơn nhiều với con số 140 mẩu chuyện. Người đọc dễ dàng hình dung trước mắt mình đâu là Phố Mới, đâu là Phố Nghề, đâu là Phố Hàng Ngang với từng nét riêng của mỗi nơi, “bây giờ ai cũng chỉ biết Phố Mới là cái chợ mua bán người, là nơi có cửa hiệu cầm đồ của người Tàu mở to nhất kẻ chợ”“Phố Hàng Ngang có hai vẻ mặt thật khác nhau. Phía giáp Hàng Đường thì sầm uất. Chỗ giáp Hàng Đào thì sạch sẽ quang đãng”.

Nhắc đến những con phố trên, những ai đã từng sống ở Hà Nội có lẽ không ai là không biết đến, thậm chí có người chưa từng đặt chân đến đây vẫn biết bởi lẽ chúng là những cái tên khá quen thuộc. Kể về Hà Nội, rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là những ai sành về ẩm thực Hà Nội ắt hẳn sẽ nhớ ngay về một số món đặc sắc lâu đời như: bánh cuốn, chả cá, phở , cháo… Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc kể về phố chả cá như thế này: “Phố Chả Cá dài 180m, đi từ phố Hàng Mã đến phố Lãn Ông”. Người đọc có thể tưởng tượng ra không khí của sự tấp nập, rộn ràng giữa người mua kẻ bán trên con đường dài này. Cái tên Chả Cá nghe cũng thật đơn giản, đó chỉ là cá nướng thành chả rồi ăn chung với bún và một số gia vị nhưng vẫn được nhiều người khen ngon. Bây giờ, người thưởng thức món ăn này sẽ nướng cá tại chỗ. Nếu người ăn không quen việc bếp núc thì đây quả là một công đoạn rườm rà, hơi khó nhọc, nhưng ngược lại nướng tới đâu ăn tới đó, chả còn nóng sẽ ngon hơn bội phần, hơn nữa việc nướng cá cũng là thú vui của nhiều người. “Nước mỡ xèo xèo nổi bọt đã được pha đẫm vào bát rau thì là đặt cạnh gắp chả cá đương tuốt ra bốc khói thơm ngậy”.

Nếu như trong tác phẩm Hà Nội 36 phố phường nhà văn Thạch Lam mô tả loại “phở có mấy giọt cà cuống”, hay Nguyễn Tuân sành thưởng thức đã nói “ai muốn tẩm bổ thì cứ chén tái dúng, tái lăn, sào dòn, sào mềm. Tôi thì chỉ có phở thịt bò chín, đấy mới là tinh hoa phở”, thì ở đây Tô Hoài chỉ đơn giản: “Tôi ăn kiểu phở nào cũng thấy được, được cả”. Phở có thật nhiều loại: nào là phở Bắc, phở chua, phở chín, phở bò, phở trâu cho đến phở gà, và mãi về sau lại xuất hiện thêm phở tái bò. Thời gian trôi qua, nhiều thứ thay đổi và phở cũng không ngoại lệ: “giờ đây trong bát phở lại có thêm hai quả trứng gà, nửa khoanh giò lụa, một cục mọc thịt trắng hếu”. Mỗi thời mỗi khác, nhu cầu thưỏng thức món ăn của người dân chắc chắn sẽ đổi thay nhưng đến tận ngày nay và có lẽ sau này vẫn thế, phở vẫn là một món ăn truyền thống và rất riêng của Hà Nội.

Hà Nội ngày nay đã khoác trên mình một chiếc áo mới nhưng không vì lẽ đó mà những nét đặc trưng xưa kia của Hà Nội thời trước bị rơi vào quên lãng. Hà Nội vẫn ồn ào với tiếng tàu điện leng keng, vẫn nhộn nhịp và sặc sỡ trong những ngày Hội Tây bên bờ Hồ Gươm. Đâu đấy, ta cũng sẽ bắt gặp những tàáo dài từ thưở thay vai và nhuộm nâu Đồng Lầm hay những chiếc áo Lơ Muya rực rỡ mốt thời trang. Cái hay ở Tô Hoài là những cái lăng nhăng sự đời ấy đã có ít nhiều người ghi lại nhưng dưới cách nhìn của riêng mình, tác giả vẫn tìm ra được cái mới lạ. Tiếng rao đêm của Tô Hoài vẫn chứa đựng nhiều ý tứ mới, không kém phần hấp dẫn so với tiếng rao hàng ban đêm của Thạch Lam, Tô Hoài cảm thấy: “những tiếng rao hàng nghe thật lạ tai nhưng cũng thật quen thuộc”. Phải chăng, tác giả thấy lạ là do giọng nói của mỗi người sống từng vùng khác nhau, hoặc cũng có thể là vì đặc trưng riêng của từng món ăn… nhưng nếu nghe những tiếng rao đêm ấy, chắc chúng ta cũng sẽ đồng cảm với tác giả rằng, đằng sau lời mời là một sự khổ cực, cam chịu và chứa nhiều hi vọng. “Phố xá đêm dài buồn như chấu cắn”“Tiếng gõ sực tắc ( thức đắc: ăn được) chốc lại thấp thoáng văng vẳng như tiếng vạc ăn đêm. Không biết con vạc đi ăn về lững lơ thơ thẩn phía nào”. Mỗi ngày lại có người nghèo khó rời xa quê hương đến đây làm ăn với mong muốn cuộc sống của mình sẽ dễ thở hơn tại cái thủ đô Hà Nội rực rỡ ấy. Chính vì lẽ đó, tiếng rao đêm đối với người dân nơi này quá đỗi quen thuộc, từ chập tối đến tận trời sáng, âm thanh này vẫn vang lên khắp mọi ngóc ngách, phố phường: “Lồ mái phàn… lồ mái phàn… xôi lạp xường nóng. Cái tiếng xôi lạp xường kèn tàu ấy cất lên là lúc trời đã mờ mờ sáng”. Cuộc sống của mỗi con người ấy có lẽ sẽ mãi lẩn quẩn trong mớ bòng bong “cơm áo gạo tiền”.

Dưới ngòi bút ký họa của mình, Tô Hoài đã vẽ nên một Hà Nội đang trong quá trình đô thị hoá với những thay đổi “nửa Tây nửa Ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê”. Hà Nội ồn ào, sang trọng là thế nhưng thông qua nhiều mẩu chuyện không dài như: làm ma khô, thẻ thuế thân… ta vẫn bắt gặp đâu đấy sự đau khổ của cái gọi là lầm than của 1 giai đoạn lịch sử vừa trôi qua. Hình ảnh “người ta chạy quanh, nháo nhác rồi chết đói cả một vùng” mở đầu cho chuyện “chết đói” đã giúp người đọc dễ dàng đồng cảm và thấu hiểu nỗi đau thương, mất mát mà cũng chỉ vì lí do “nghèo”“Người ăn cỏ, ăn khô dầu, thậm chí cả ăn thịt người”. Thật ghê rợn và thương tâm khi “số người chết đói tới 50 phần trăm, hoặc có nơi nhiều hơn”. “Chỉ trong hai tháng số người qua đời tại tỉnh Ninh Bình lên đến một vạn”. Họ“bắt trẻ con 5, 6 tuổi rồi đào lỗ chôn xuống, lấp đất, hun lửa trên, xong đem bán lẫn với thịt chó, bán giả thịt chó”. Thử hỏi khi đọc những dòng chữ trên, mấy ai là không đau lòng. Rồi những thợ củi, thợ giấy làm đầu tắt mặt tối từ ngày này sang ngày khác mà vẫn không sao thoát nổi cái đói, cái nghèo.

Chuyện cũ Hà Nội được nhận xét là một tập ký sự về lịch sử. Một số phong tục đến nay không còn như các đám múa sư tử thi đêm rằm Trung Thu, ở ven đô thị hội hè đình đám, khao vọng, đám ma… nhưng có lẽ những bối cảnh ấy vẫn rất có giá trị đối với những ai làm phim, dựng kịch hay viết truyện lịch sử. Để có thể tái hiện lại vô số điều đặc trưng của Hà Nội thời trước, ngoài tài văn chương, tác giả còn phải trang bị cho mình vốn kiến thức về cuộc đời cũng như năng lực quan sát và kỹ thuật phân tích sâu rõ. Từ những sự vật, sự việc, con người tưởng chừng như xa xưa, cũ kỹ nhưng dưới ngòi bút sắc sảo và sự hiểu biết phong phú của mình, tác giả đã giải bày những suy nghĩ, những lo lắng… về Hà Nội, một Hà nội tuy mới mà cũ, tuy cũ mà mới.

Chuyện cũ Hà Nội còn có thể coi là một tập điều tra xã hội học của thời nửa đầu thế kỷ XX bằng văn chương. Mỗi mẩu chuyện tuy ngắn nhưng đều đọng lại trong lòng độc giả nhiều cảm xúc, vui có, buồn có và cả sự thương cảm. Giải thưởng mà tập truyện nhận được thật xứng đáng bởi lẽ nó chứa đựng cả tấm lòng và tình cảm chân thành của Tô Hoài dành cho Hà Nội.

Truy cập FADIO của Truyền hình FPT để nghe trọn vẹn cuốn sách này với giọng đọc truyền cảm và ấm áp. 


| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào
Ý KIẾN CỦA BẠN  
  Hãy đăng nhập để thảo luận
  Tin cùng loại cũ hơn
Số đỏ - Vũ Trọng Phụng
Lá Thư Hè trên Fadio Truyền hình FPT